Chỉ số sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) tháng 5 cải thiện 2,2% so với tháng trước, nhưng đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do ngành khai khoáng và công nghiệp chế biến – chế tạo tiếp tục suy yếu, giảm tương ứng 2,9% YoY và 0,5% YoY. Bên cạnh đó, chỉ số SXCN của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo trong tháng 4 được điều chỉnh giảm 2,8% YoY từ số ước tăng 0,2% YoY.
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
So với tháng 4, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng nhẹ 1,5%, trong đó hàng hóa tăng 1,3% và dịch vụ tăng 2,0%. So với cùng kỳ năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ đánh dấu tháng thứ 15 liên tiếp duy trì mức tăng trưởng 2 con số (11,5%), trong đó tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 10,9%, mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Tăng trưởng doanh thu dịch vụ vẫn duy trì ở mức cao (13,8%), chủ yếu nhờ du lịch. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ có xu hướng giảm tốc do hiệu ứng nền so sánh thấp giảm dần.
Du lịch
Khách du lịch quốc tế đạt hơn 916 nghìn lượt, giảm gần 7% so với tháng trước do tháng 5 và 6 là mùa thấp điểm trong năm. Tuy nhiên, lượng khách từ Trung Quốc vẫn tiếp tục đà phục hồi tốt, tăng hơn 31% MoM và tương đương 34% mức trước dịch Covid. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 12 lần năm ngoái và hoàn thành gần 60% mục tiêu cả năm. So với giai đoạn trước dịch Covid, lượng khách quốc tế đã hồi phục gần 70%.
Đầu tư
Về hoạt động đầu tư, vốn FDI thực hiện tiếp tục cải thiện trong tháng 5 (+18% MoM và +0,6% YoY), nhờ đó giá trị thực hiện lũy kế chỉ còn giảm 0,8% từ mức 2,2% trong quý 1. Điểm tích cực khác là vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, đặc biệt cho các dự án mới duy trì ở mức cao và lũy kế 5 tháng tăng gần 28% YoY.
Giải ngân vốn đầu tư từ NSNN tiếp tục được đẩy nhanh trong tháng 5 (+12,7% MoM và +18,3% YoY). Lũy kế 5 tháng, vốn đầu tư công tăng gần 20% YoY, tuy nhiên chỉ hoàn thành 25,5% kế hoạch cả năm.
Thương mại
Về tình hình thương mại quốc tế, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục sụt giảm, tuy nhiên tốc độ giảm chậm lại còn 6,9% YoY so với mức giảm 16,2% của tháng 4 và 11,8% của quý 1. Trong khi đó, nhập khẩu tiếp tục suy yếu mạnh 18,4% khiến cho thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt mức cao 2,2 tỷ USD trong tháng 5 và lũy kế đạt 9,8 tỷ USD, tương đương gần 80% mức thặng dư của cả năm 2022.
Tình hình giá cả
Về tình hình giá cả, CPI tháng 5 tăng nhẹ 0,01% MoM sau 2 tháng liên tiếp sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu do giá thịt lợn hồi phục 1,32% MoM và giá điện tăng trung bình 2,62% MoM sau khi EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện. Ở chiều ngược lại, giá xăng trong tháng 5 được điều chỉnh giảm gần 8%, góp phần làm CPI giảm 28 điểm cơ bản. Lạm phát tháng 5 nhờ đó tiếp tục giảm còn 2,43%, mức thấp nhất trong vòng 14 tháng.
Xem tiếp
Quý khách muốn đầu tư? Vui lòng để lại thông tin: