<
Quý khách có thể xem lại phần 1 đánh giá cụ thể về từng ngành kinh tế tại đây>
...Các công ty thâm dụng vốn sẽ dễ dàng tái khởi động do rủi ro gián đoạn kinh doanh được giảm thiểu do họ ít phụ thuộc hơn vào nguồn lao động. Mặt khác, các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động đang phải đối mặt với các vấn đề chi phí gia tăng để thu hút người lao động quay trở lại và để đảm bảo an toàn tại nơi làm việc.
Trước đó, do mất việc làm, lo lắng về sức khỏe sau những đợt giãn cách chưa từng có, khoảng 1,3 triệu người tại các trung tâm kinh tế trên khắp Việt Nam đã hồi hương. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề hiện cũng không quá nghiêm trọng. Hiện nay, các nhà máy ở TPHCM chỉ thiếu hụt khoảng 10% lao động và vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn sắp tới. Ở Bình Dương, 97% doanh nghiệp đã ổn định sản xuất.
Các công ty lớn, đã chiếm được nhiều thị phần hơn trong thời gian khó khăn vừa qua, sẽ tăng trưởng tốt hơn các công ty quy mô nhỏ. Trong 10 tháng đầu 2021, bình quân một tháng có 9,7 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, một số doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực ví dụ như sắt thép, sữa, bán lẻ hàng điện tử, trang sức vẫn gia tăng được thị phần mạnh mẽ. Được điều hành bởi ban lãnh đạo giỏi và có nhiều lợi thế cạnh tranh rõ ràng như về vị thế thị trường, quy mô sản xuất kinh doanh và tiềm lực tài chính, các công ty này đã vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn và tận dụng được cơ hội để gia tăng vị thế.
Các công ty tập trung vào thị trường nội địa sẽ đối mặt với vấn đề thu nhập bình quân hộ gia đình giảm sút gây ảnh hưởng lên nhu cầu. Bên cạnh đó, quá trình phục hồi của nhu cầu nội địa còn bị kìm hãm bởi sự tăng giá mạnh và trên diện rộng vừa qua của nhiều loại hàng hóa bao gồm năng lượng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 vẫn giảm sút 19,5% so với cùng kì năm trước.
Tuy nhiên, trong phạm vi hẹp hơn, một số doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa cao cấp/xa xỉ lại có nhiều cơ hội do nhu cầu của các mặt hàng này tăng khi diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán và bất động sản trong giai đoạn vừa qua đã tạo ra thêm nhiều giá trị gia tăng cho tầng lớp đã sở hữu tài sản trước đó.
Giai đoạn vừa qua đã chứng kiến giá cả các loại hàng hóa bao gồm năng lượng, kim loại và nông sản tăng giá mạnh mẽ, dưới sức ép của việc gián đoạn nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu gia tăng trở lại khi các nền kinh tế lớn mở cửa. Điều này đã gây sức ép lên biên lợi nhuận của nhiều công ty.
Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng đối diện với vấn đề suy giảm nguồn cung trong dài hạn. Giá cả một số loại hàng hóa cũng như giá cước vận tải đã bắt đầu điều chỉnh. Chỉ số Bloomberg Commodities Index đo lường giá cả của 23 loại hàng hóa khác nhau sau khi tăng 35,6% kể từ đầu năm hiện đã giảm 3,5% kể từ đỉnh.
Mặc dù khó có thể dự báo thời điểm chính xác, chúng tôi cho rằng giá cả nhiều loại hàng hóa sẽ điều chỉnh về mức hợp lý sau khi nguồn cung được khôi phục và việc gián đoạn chuỗi cung ứng bớt nghiêm trọng hơn sau khi nhiều nước tiến hành tiêm chủng trên diện rộng. Điều này sẽ tạo cơ hội cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho nhiều công ty. Một số công ty thậm chí còn được hưởng lợi nhiều hơn khi trước đó họ đã tăng giá bán để giảm bớt ảnh hưởng của sự gia tăng giá đầu vào.
-Bài đánh giá viết bởi anh Duy Nhân - VCBF Portfolio Manager-
Nếu Quý khách muốn tham gia đầu tư Quỹ mở cùng VCBF, hãy liên hệ ngay để được tư vấn trực tiếp từ chuyên viên:
- Gọi (024) 39364540 - (028) 38270750