Lạm phát là gì?
Lạm phát xảy ra khi giá cả tăng lên và làm giảm sức mua của đồng tiền. Ví dụ, vào năm 2000, một bát phở có giá trung bình là 5.000 đồng thì đến năm 2021, giá trung bình của một bát phở đã tăng lên 40.000 đồng. Thước đo chính của tỷ lệ lạm phát là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chỉ số này được tính dựa vào sự thay đổi bình quân về giá của các mặt hàng trong một rổ hàng hóa dịch vụ đại diện. Do đó, chỉ số này chỉ mang tính tương đối vì chỉ dựa vào một rổ hàng hóa đại diện cho toàn bộ hàng tiêu dùng.
Lạm phát không hẳn là điều tiêu cực. Tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý và ổn định cùng với kỳ vọng lạm phát rõ ràng sẽ giúp gia tăng tính ổn định của nền kinh tế trong ngắn hạn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Khi nhà đầu tư có thể dự báo giá trị thực trong tương lai của tài sản mà họ sẽ đầu tư cũng như lợi nhuận trong tương lai từ các khoản đầu tư này, họ sẽ tư tin hơn trong việc ra quyết định đầu tư. Vì vậy, việc duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý và ổn định là một trong những mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Cụ thể là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đặt kế hoạch duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức 2% hàng năm trong dài hạn. Chính phủ Việt Nam trong các năm gần đây cũng đặt chỉ tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát hàng năm ở mức thấp hơn 4%.
Điều gì tạo ra lạm phát?
Lạm phát xảy ra do 2 nguyên nhân chính: do cầu kéo và do chi phí đẩy.
Lạm phát do cầu kéo: Lạm phát do cầu kéo xảy ra khi tổng cầu về hàng hóa hoặc dịch vụ tăng nhưng cung không đổi hoặc tăng ở mức thấp hơn mức tăng của tổng cầu, kéo giá cả hàng hóa dịch vụ tăng lên. Lạm phát do cầu kéo xảy ra trong một số trường hợp như khi nền kinh tế tăng trưởng cao, khi lãi suất được cắt giảm và ở mức thấp, khi cung tiền tăng ở mức cao hơn mức tăng của tổng cung của nền kinh tế và khi giá nhà tăng. Trong hầu hết các trường hợp này, người tiêu dùng cảm thấy tự tin về tình hình tài chính và do đó gia tăng chi tiêu thay vì tiết kiệm, từ đó thúc đẩy nhu cầu và sau đó là giá của hàng hóa dịch vụ.
Lạm phát do chi phí đẩy: Lạm phát do chi phí đẩy xảy ra khi nguồn cung hàng hóa hoặc dịch vụ bị suy giảm trong khi tổng cầu không thay đổi hoặc tăng, đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Thông thường, lạm phát do chi phí đẩy xảy ra sau khi một số sự kiện như thiên tai hoặc dịch bệnh khiến nguồn cung suy giảm và không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong trường hợp này, người tiêu dùng có thể phải chấp nhận trả giá cao hơn để mua được hàng hóa dịch vụ và từ đó dẫn đến lạm phát.
- Bài thông tin được viết bởi anh Duy Anh - VCBF Portfolio Manager-
Xem tiếp
Quý khách muốn đầu tư? Vui lòng để lại thông tin: