Năm 2025 có thể trở thành cột mốc lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), khi khả năng được FTSE Russell chính thức nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng 2 đang ngày càng rõ nét. Đây là thành quả của một quá trình cải cách đồng bộ, từ chính sách vĩ mô của cơ quan quản lý, nỗ lực nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết, cho đến sự phát triển của các định chế tài chính trên thị trường.
Trong bối cảnh đó, ngành quản lý quỹ được đánh giá là một trong những lĩnh vực hưởng lợi rõ rệt nhất, không chỉ nhờ quy mô tài sản quản lý gia tăng mà còn nhờ vai trò trung tâm trong việc dẫn dắt dòng vốn trung và dài hạn phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam đã được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ năm 2018. Sau nhiều năm cải cách, năm 2024 đánh dấu bước tiến quan trọng khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC, chính thức cho phép cơ chế giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước (non pre-funding) đối với nhà đầu tư nước ngoài – một trong những tiêu chí then chốt trong bộ tiêu chuẩn đánh giá của FTSE Russell.
Trong báo cáo cập nhật tháng 4/2025, FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách theo dõi và ghi nhận nhiều cải thiện đáng kể. Nếu tiến trình cải cách tiếp tục được đẩy mạnh và các điều kiện kỹ thuật được đáp ứng, khả năng Việt Nam được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 là hoàn toàn khả thi – qua đó mở ra cánh cửa đón dòng vốn thụ động quy mô lớn từ các quỹ chỉ số toàn cầu.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu được cả FTSE và MSCI nâng hạng, TTCK có thể thu hút tới 25 tỷ USD dòng vốn gián tiếp từ các quỹ chỉ số và nhà đầu tư tổ chức đến năm 2030 . Không chỉ dừng lại ở nguồn vốn mới, sự hiện diện của dòng tiền quốc tế còn có thể tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, thúc đẩy thanh khoản, kích hoạt dòng vốn nội, đồng thời góp phần phát triển thị trường một cách lành mạnh và bền vững hơn.
Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, trong năm 2025, Việt Nam dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước tại 131 doanh nghiệp, với kỳ vọng thu về khoảng 10.040 tỷ đồng. Đây là bước tiến quan trọng nhằm mở rộng nguồn cung cổ phiếu chất lượng trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư xây dựng danh mục đầu tư đa dạng và hiệu quả hơn.
Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn có kế hoạch niêm yết hoặc chuẩn bị IPO như: Masan Consumer, BSR, C.P. Việt Nam, Thaco Auto, Bách Hoá Xanh hay Vinpearl… không chỉ góp phần cải thiện rõ rệt nguồn cung cổ phiếu chất lượng mà còn tạo ra một hệ sinh thái đầu tư đa dạng và hấp dẫn hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại, khi nhóm ngành ngân hàng – vốn đang chiếm tới hơn 1/3 vốn hóa rổ VN30 – vẫn là trọng tâm của nhiều danh mục đầu tư. Sự gia nhập của các doanh nghiệp đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực sẽ giúp các công ty quản lý quỹ có thêm dư địa để đa dạng hóa danh mục, giảm phụ thuộc vào ngành tài chính.
Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận khoảng 9 triệu tài khoản giao dịch, ngành quản lý quỹ vẫn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai. Tính đến cuối năm 2024, số lượng nhà đầu tư tham gia vào các quỹ mở chỉ ở mức dưới 400.000, với tổng giá trị tài sản quản lý chưa đến 1% GDP – một con số còn khiêm tốn so với tiềm năng.
So sánh với các quốc gia trong khu vực cho thấy dư địa tăng trưởng của ngành còn rất lớn. Trung Quốc, dù chỉ đi trước Việt Nam khoảng một thập kỷ trong lĩnh vực quản lý quỹ, đã đạt tỷ lệ tài sản quỹ tương đương gần 21% GDP. Ấn Độ – với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam – cũng đạt mức gần 18% GDP. Những con số này là minh chứng cho tiềm năng mở rộng mạnh mẽ của ngành quản lý quỹ trong nước.
Việc mở rộng tệp khách hàng cá nhân đang trở thành một trong những định hướng quan trọng của ngành quản lý quỹ. Thông qua việc đẩy mạnh giáo dục tài chính, ứng dụng công nghệ và truyền thông, các công ty quản lý quỹ đang ngày càng tiếp cận gần hơn với nhà đầu tư phổ thông, góp phần hình thành thói quen đầu tư dài hạn, chuyên nghiệp.
Tuy vậy, nhà đầu tư nên tìm đến các công ty quản lý quỹ uy tín và các đại lý phân phối được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công nhận – nơi quyền lợi của nhà đầu tư được bảo vệ, có thông tin minh bạch và hiệu quả đầu tư được công bố công khai.
Khi kinh tế và chính trị toàn cầu trở nên phức tạp hơn – đặc biệt sau tuyên bố áp thuế đối ứng với hầu hết các đối tác thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng 4/2025 – lo ngại về một vòng xoáy căng thẳng thương mại mới đang gia tăng, có thể gây sức ép lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu và làm gia tăng rủi ro tài khóa tại nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Việt Nam.
Giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 và hướng tới mức hai con số trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ cần một nguồn vốn trung và dài hạn với quy mô lớn chưa từng có. Thay vì tiếp tục phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ngoại và vốn FDI – vốn tiềm ẩn rủi ro trước những biến động toàn cầu – Việt Nam càng cần đẩy mạnh phát triển thị trường vốn trong nước. Trong đó, ngành quản lý quỹ và hệ thống các quỹ đầu tư chuyên nghiệp cần đóng vai trò trung tâm trong việc huy động hiệu quả dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư và tổ chức trong nước, tạo ra nguồn lực bền vững để phục vụ tăng trưởng dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF), nhận định: “Việc nâng hạng thị trường là cơ hội để ngành quản lý quỹ khẳng định vai trò trong việc kết nối dòng vốn dài hạn với nền kinh tế, đồng thời mang đến cho nhà đầu tư một kênh đầu tư minh bạch, dễ tiếp cận và phù hợp với xu hướng tích lũy bền vững.”
Ngành quản lý quỹ đang có cơ hội vươn lên thành một trong những trụ cột quan trọng nhất của thị trường vốn Việt Nam, góp phần thúc đẩy vào tăng trưởng kinh tế quốc gia trong bối cảnh mới.
Xem tiếp
Quý khách muốn đầu tư? Vui lòng để lại thông tin: