VCBF xin gửi đến Quý Khách hàng một số phân tích về chính sách thuế quan mới của Chính phủ Hoa Kỳ và những tác động tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Donald Trump đã ký Sắc lệnh ban hành chính sách thuế quan đối ứng nhằm điều chỉnh các hoạt động thương mại đang gây thâm hụt thương mại lớn cho Hoa Kỳ. Theo đó:
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. Do đó, thuế suất đối ứng 46% chắc chắn sẽ gây ra tác động tiêu cực lớn lên thương mại quốc tế của Việt Nam. Các ngành có giá trị và tỷ trọng xuất khẩu qua Hoa Kỳ lớn gồm dệt may, da giày, điện tử, thủy hải sản.
Mức thuế đối ứng áp lên hàng hóa Việt Nam cao hơn tương đối mức thuế đối ứng áp lên hàng hóa từ các quốc gia có khả năng cạnh tranh với Việt Nam trong các lĩnh vực này như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Philippines sẽ làm hàng hóa từ Việt Nam kém cạnh tranh.
Việc xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ gặp trở ngại sẽ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài đang dự định đầu tư mới hoặc mở rộng nhà máy tại Việt Nam cân nhắc lại kế hoạch đầu tư của mình hoặc tạm dừng kế hoạch giải ngân để đợi các chính sách thương mại rõ ràng hơn. Các nhà máy đang sản xuất hàng hóa tại Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể sẽ phải thu hẹp hoạt động, ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm, thu nhập của công nhân Việt Nam đang làm việc tại đây, theo đó ảnh hưởng tới tiêu dùng.
Các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, là những mặt hàng mà Việt Nam đang có lợi thế lớn tại thị trường Hoa Kỳ. Mặc dù thuế suất đối ứng áp lên hàng hóa Việt Nam là rất cao, so với Trung Quốc (thuế đối ứng 34% cộng với thuế đang áp dụng 20%) là quốc gia có trình độ cao trong lĩnh vực này, thuế suất áp lên hàng hóa Việt Nam vẫn thấp hơn do đó Việt Nam vẫn có lợi thế so với Trung Quốc. So với các quốc gia khác hiện cũng đang xuất khẩu các mặt hàng này như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam bị bất lợi về thuế suất nhưng lại có lợi thế về khả năng đáp ứng các đơn hàng khó, theo đó các đơn hàng giản đơn giá trị gia tăng thấp, biên lợi nhuận thấp có thể chuyển khỏi Việt Nam nhưng Việt Nam có thể đón nhận nhiều hơn các đơn hàng đòi hỏi tay nghề cao hơn và có biên lợi nhuận tốt hơn.
Từ trước khi Tổng thống Trump ban hành Sắc lệnh thuế đối ứng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động làm việc với cơ quan thương mại Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm giải pháp điều chỉnh cán cân thương mại giữa hai quốc gia. Do đó, mặc dù mức thuế suất 46% áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là rất cao, chúng tôi cho rằng Chính phủ không bị động trong việc chuẩn bị các phương án để đàm phán với Chính phủ Hoa Kỳ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của cả hai bên.
Khác với một số quốc gia khác, lợi thế sản xuất của Hoa Kỳ và Việt Nam hoàn toàn khác nhau, hoặc có thể nói là bổ sung cho nhau. Do đó, phương án tối ưu sẽ là thỏa thuận được mức thuế suất hợp lý để Việt Nam tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vào Hoa Kỳ, và ở chiều ngược lại, Việt nam dỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan để Hoa Kỳ có thể tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ mà Hoa Kỳ có lợi thế vào thị trường Việt Nam.
Theo đó, bên cạnh việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2025 giảm thuế suất nhập khẩu một số mặt hàng Hoa Kỳ có lợi thế như nông sản, khí LNG, ethanol…, Chính phủ có thể cân nhắc giảm thêm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, đặc biệt thuế tiêu thụ đặc biệt áp lên ô tô là mặt hàng Hoa Kỳ có thể tăng xuất khẩu sang Việt Nam. Thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là những hàng rào thuế quan mà theo quan điểm của Chính phủ Hoa kỳ là đang cản trở việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Việc giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ có tác động tích cực lên tiêu dùng trong nước, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hoạt động thương mại gặp khó khăn.
Việc tăng cường nhập khẩu dịch vụ, công nghệ cao từ Hoa Kỳ theo chúng tôi cũng là một trong các cơ sở để đàm phán. Việc các cơ quan Chính phủ đang khẩn trương phối hợp để hoàn thiện dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược, theo chúng tôi, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ để đạt các thỏa thuận tích cực hơn khi đàm phán với Chính phủ Hoa Kỳ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những giai đoạn giảm mạnh tương tự như tháng 3/2020 do ảnh hưởng của COVID-19 với rất nhiều điều khó đoán định, nhiều giả thiết được đưa ra thời điểm đó. Nhưng sau đó thị trường đã phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt ở các cổ phiếu có nền tảng vững chắc. Tương tự tại thời điểm này, với rất nhiều giả thiết còn ở phía trước, chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để đạt được các kết quả tối ưu cho nền kinh tế Việt Nam. Các công ty có nền tảng tốt chắc chắn sẽ vượt qua được khó khăn và phát triển bền vững.
Từ góc độ công ty quản lý quỹ, chúng tôi cũng cân nhắc kỹ lưỡng việc điều chỉnh danh mục để đảm bảo danh mục có sức chống chịu tốt nhất nếu các điều kiện không thuận lợi và tăng trưởng tốt nếu điều kiện trở nên thuận lợi hơn. Vì vậy, chúng tôi mong rằng nhà đầu tư sẽ bình tĩnh, không đưa ra các quyết định bán vội vàng vì thời điểm hiện tại có thể lại là cơ hội tốt để đầu tư. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải kiên nhẫn, kiên định với mục tiêu tài chính dài hạn của mình.
Các chuyên gia đầu tư của VCBF theo dõi sát sao các biến động vĩ mô không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, thường xuyên cập nhật thông tin, đánh giá tác động của chính sách thuế lên từng lĩnh vực, từng công ty cũng như tiến trình đàm phán của Chính phủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến Quý nhà đầu tư trong thời gian tới.
Xem tiếp
Quý khách muốn đầu tư? Vui lòng để lại thông tin: