Bức tranh về dòng vốn trên toàn cầu được đánh giá vẫn sáng nếu không có những sự kiện “bất khả kháng”
Trước đó, nhà đầu tư kỳ vọng dòng vốn sẽ gia tăng mạnh vào các quỹ cổ phiếu trên toàn cầu khi lãi suất của FED đã đạt đỉnh, nhưng thực tế lại không đạt như kỳ vọng.
Bước sang năm 2024, bà Dương Kim Anh, Đồng Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng năm 2024, mặc dù thế giới vẫn còn nhiều những biến động, tuy nhiên trừ khi có những biến cố rất lớn như xung đột giữa Nga và Ukraine hay vừa rồi là xung đột giữa Israel và Hamas thì bức tranh vẫn khá sáng tỏ.
Ví dụ như là ở Mỹ, khi lãi suất kéo dài đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của cả doanh nghiệp và các hộ gia đình. Tuy nhiên Goldman Sachs đã có một số những đánh giá rất chi tiết để xem mức tăng lãi suất như vừa rồi ảnh hưởng đến đầu tư của doanh nghiệp hay ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của các hộ gia đình như thế nào trong năm 2024. Kết quả cho thấy, mức ảnh hưởng đương nhiên là có nhưng nó không phải là quá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát của Mỹ tiến triển cũng khá là tích cực. Mọi người sẽ tin tưởng hơn là trong năm nay sẽ không còn một đợt tăng lãi suất nào nữa và trong năm 2024 thì FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất đâu đấy khoảng cuối quý I, đầu quý II. “Dựa vào đấy rõ ràng là nó sẽ có là tín hiệu tích cực cho các dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu. Dòng tiền sẽ quay trở lại với các quỹ cổ phiếu, đặc biệt là ở Mỹ và thị trường châu Á”, bà Kim Anh nói.
Tuy nhiên, nhìn lại thị trường Việt Nam, đại diện của VCBF lại cho rằng thị trường Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dòng vốn ngoại mà có lẽ là bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi dòng vốn nội, đặc biệt là dòng vốn nội của các nhà đầu tư cá nhân, khi mà hoạt động mua bán của họ nó sẽ mang tính quyết định hơn đối với sự tăng trưởng của thị trường hiện nay.
Xét về mặt định giá, mức định giá của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tương đối là hợp lý, ví dụ tại thời điểm hiện tại thì đâu đấy, mức P/E của VN-Index đạt khoảng 14,8 lần.
Thêm vào đó, nền kinh tế của Việt Nam có những điểm sáng như là FDI giải ngân tốt và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong quý III vừa rồi cũng rất tốt. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, đầu tư công được đẩy mạnh và đặc biệt là lãi suất đã giảm rất sâu trong thời gian vừa qua. Đó là những điểm rất là tích cực, sẽ tạo nền tảng tốt cho sự tăng trưởng tốt của thị trường trong năm 2024.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, bà Kim Anh cho rằng nhà đầu tư nên xây dựng cho mình một kế hoạch tài chính lâu dài và mình sẽ đầu tư theo một cách có kế hoạch và kỷ luật. “Còn từ phía mình, chúng tôi cũng theo triết lý đầu tư giá trị, tức là khi mua một cổ phiếu nào đấy thì theo tư duy không phải mình chỉ mua cổ phiếu đấy mà gần như là mình đồng hành với doanh nghiệp đấy. Và thông thường như ở VCBF, các khoản đầu tư của chúng tôi thường có tầm nhìn xa. 3 - 5 năm tới, tiềm năng tăng trưởng của họ như thế nào, mức định giá hiện tại có hợp lý hay không và sau 3 - 5 năm nữa, với mức tăng trưởng như thế thì mức định giá bây giờ nó có hợp lý hay không”, bà Kim Anh chia sẻ.
Bên cạnh đấy đại diện VCBF cũng cho rằng việc đầu tư ở thị trường chứng khoán cần rất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu. Phải biết rõ công ty mà mình định đầu tư nó hoạt động như thế nào, sức khỏe của họ ra sao, trong những năm tới họ tăng trưởng ra làm sao. “Vậy thì nếu như một nhà đầu tư cá nhân không có thời gian hoặc là chưa đủ kiến thức hoặc đơn giản là họ không có các nguồn thông tin thì tôi nghĩ họ có thể đầu tư vào các quỹ cổ phiếu ở trên thị trường”, bà Kim Anh nói thêm.
Bài viết được thuật lại từ chia sẻ của bà Dương Kim Anh, Đồng Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) tại Talkshow Phố Tài chính.
Xem tiếp
Quý khách muốn đầu tư? Vui lòng để lại thông tin: